Tên gọi Chiến tranh Việt Nam

Tại Việt Nam, truyền thông đại chúng dùng tên Kháng chiến chống Mỹ hoặc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước để chỉ cuộc chiến tranh này.[38] Truyền thông và sách vở chính thống của Việt Nam khẳng định rằng đây là kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhằm chống lại sự xâm lược của Mỹ và đánh đổ chế độ Việt Nam Cộng hòa, một chính phủ tay sai của Mỹ.[39][40][41] Các nguồn tài liệu của Nhà nước Việt Nam khẳng định rằng đó là cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc chống lại âm mưu chia cắt đất nước Việt Nam của Chính phủ Mỹ và các lực lượng tay sai bản xứ.[42][43][44][45] Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tuyên bố:

"Chúng tôi bắt buộc phải kháng cự lại lũ xâm lăng ấy để bảo vệ gia đình, Tổ quốc chúng tôi[46]... Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam[47]... Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”[48]

Ngoại trưởng Xuân Thủy, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam tuyên bố:

"Mỹ không tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam mà trái lại đã tiến hành có hệ thống một chính sách can thiệp, xâm lược và chiến tranh, chà đạp lên các quyền đó"[49]

Ngày 20 tháng 9 năm 1969, Trưởng đoàn đàm phán của Cộng hòa miền Nam Việt Nam (giai đoạn 1968-1970) tại Hội nghị Paris về Việt Nam Trần Bửu Kiếm tuyên bố:

"Sự can thiệp đơn phương của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc; sự có mặt của Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam đã vi phạm Hiệp định Genève 1954; cường độ và tính chất tàn phá của cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam là trái với luật pháp quốc tế; những hành động của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã vi phạm cả Hiến pháp của Hoa Kỳ... Nước Việt Nam là của người Việt Nam, Hoa Kỳ không có quyền đem quân đội tới và lại càng không có quyền bắt buộc người dân Việt Nam phải trả một cái giá nào đó cho việc triệt thoái hoàn toàn quân đội Hoa Kỳ"[50]

Theo Ngoại trưởng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, sau này là Phó Chủ tịch nước của nước Việt Nam thống nhất cho rằng:

"Nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vừa qua, mọi người đều hiểu đó là cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc chống sự xâm lược của Mỹ, để giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất đất nước. Cũng có người cho rằng cuộc chiến tranh có yếu tố nội chiến là do chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ đã đẩy một số người Việt Nam chống lại nhân dân của mình"[51].

Một số người cảm thấy tên Kháng chiến chống Mỹ không trung lập do trong cuộc chiến còn có những người Việt tham chiến cùng Mỹ[52]. Một số khác thì lại cho rằng tên Chiến tranh Việt Nam thể hiện cách nhìn của người phương Tây hơn là của người sống tại Việt Nam.[52] Tuy nhiên, về mặt học thuật, hiện nay các học giả và sách báo ngoài Việt Nam thường sử dụng tên "Chiến tranh Việt Nam" vì tính chất quốc tế của nó.[52]

Tên gọi ít được sử dụng hơn là Chiến tranh Đông Dương lần 2, được dùng để phân biệt với Chiến tranh Đông Dương lần 1 (1945–1955), Chiến tranh Đông Dương lần 3 (1975–1989, gồm 3 cuộc xung đột ở Campuchia và biên giới phía Bắc Việt Nam).

Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Chiến tranh Việt Nam được Mỹ coi là bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 năm 1955 khi Nhóm chuyên gia hỗ trợ quân sự Mỹ (U.S. Military Assistance Advisory Group – MAAG) tại Việt Nam được thành lập.[53] Theo phía Việt Nam, cuộc chiến này bắt đầu kể từ năm 1947 khi Mỹ bắt đầu viện trợ Pháp để Pháp tiếp tục tham chiến ở Việt Nam. Trong văn kiện NSC51 của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (ngày 1 tháng 7 năm 1949) có xác nhận, trong năm 1948 khoảng 100.000 quân Pháp với trang bị của Mỹ... đang ở Đông Dương.[54]

Cuộc chiến này chính thức kết thúc với sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tiếp quản toàn bộ miền Nam cho đến khi đất nước thống nhất khi Cộng hòa Miền Nam Việt NamViệt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành cuộc Tổng tuyển cử 1976 để tiến hành bầu ra Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ thống nhất cho cả hai miền vào ngày 25 tháng 4 năm 1976[55][56][57][58]. Nhà nước thống nhất với quốc hiệuCộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội Việt Nam khóa VI vào ngày 2 tháng 7 năm 1976.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến tranh Việt Nam http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://homepage.univie.ac.at/kurt.mayer/histor4.ht... http://quadrant.org.au/magazine/2014/06/whitlam-go... http://www.134thahc.com/History.htm http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.answers.com/topix/john-paul-vann-44k